Cung đạo Nhật Bản

About KYUDO

Cung đạo (tiếng Nhật là Kyudo) là một trong những nét văn hóa lâu đời nhất của Nhật Bản. Vốn là một trong các kĩ năng của những chiến binh samurai thời phong kiến, Cung đạo Nhật Bản hiện đã và đang được tập luyện với hàng nghìn người tại Nhật Bản nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Sơ lược về Cung đạo Nhật Bản

Từ thời sơ khai, cụ thể là thời kỳ Yayoi (khoảng năm 500 TCN – năm 300 SCN), các thông tin đầu tiên về Cung đạo Nhật Bản đã được tìm thấy tại các sách cổ. Trải qua một thời gian dài nhiều biến động, đến thời Minh Trị (1868-1912), khi các chiến binh samurai dần mất đi vị thế của mình trong xã hội, Cung đạo cũng không còn được coi trọng như các thời kì lịch sử trước. Năm 1896, những người tâm huyết với môn Cung đạo đã tập hợp lại với hi vọng làm sống lại truyền thống này của Nhật Bản. Honda Toshizane, giáo viên dạy Cung đạo tại Đại học Tokyo, đã hợp nhất các trường phái cung đạo lại tạo ra một trường phái chung lấy tên của chính ông – Honda-ryu. Đến năm 1949, Liên đoàn Cung đạo Nhật Bản được thành lập, chính thức biến Cung đạo trở thành một môn nét văn hóa có hệ thống và quy củ như hiện nay.

The Aesthetics and Art of the Japanese Yumi

Cung đạo Nhật Bản có thể coi là một loại hình thể thao đặc biệt so với những môn thông thường khác như đá bóng, quần vợt… Bên cạnh mục đích rèn luyện thể lực, Cung đạo hướng tới việc rèn luyện tinh thần của người tập làm tiêu chí hàng đầu. Thậm chí, tại một số nơi, bắn trúng đích không phải là mục tiêu cao nhất. Rất nhiều người tập luyện cung đạo cho rằng nếu động tác chính xác, mũi tên chắc chắn sẽ bay trúng đích. Kĩ thuật bắn tuy không quá phức tạp, song để đạt đến trình độ cao nhất trong Cung đạo – shin-zen-bi – có thể hiểu là “chân-thiện-mỹ”, thì cần sự khổ luyện nghiêm ngặt trong một thời gian dài.

Liên đoàn Cung đạo Nhật Bản đã thống nhất một hệ thống kĩ thuật bắn mang tên Hassetsu (Xạ pháp Bát tiết – Bắn cung tám bước). Tám bước ấy sẽ bao gồm từ chuẩn bị tư thế đứng cho đến khi kết thúc bắn và quay về tư thế ban đầu. Trong tám bước lớn sẽ được chia thành các bước nhỏ và kèm theo một số kĩ thuật bổ trợ trong quá trình luyện tập. Một điều đặc biệt khác trong Cung đạo đó là không có sự phân biệt giữa thuận tay trái hay thuận tay phải. Người bắn sẽ luôn cầm cung bằng tay trái và kéo dây cung bằng tay phải. Trừ các trường hợp đặc biệt, dây cung sẽ luôn được kéo ra quá đằng sau tai. Vì vậy, người bắn phải luôn chú ý cẩn thận thực hiện đúng động tác nếu không sẽ dẫn đến việc tự làm bị thương chính mình. Do mang tính chất nguy hiểm cao nên những người luyện tập, đặc biệt là những người mới thường không được phép tập một mình, đồng thời phải luôn nghe theo sự hướng dẫn của giáo viên hoặc những người tập lâu năm.

Các dụng cụ trong Cung đạo

Trong các dụng cụ của bộ môn Cung đạo, trước tiên phải kể đến cây cung (Yumi) với độ dài lên tới hai mét hoặc hơn. Trước đây, cung thường được làm từ tre, gỗ và da. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với điều kiện khí hậu cũng như nâng cao độ bền, các cây cung ngày nay thường được làm từ gỗ và sợi các-bon tổng hợp. Những cây cung làm hoàn toàn từ chất liệu thiên nhiên vẫn còn tồn tại song thường dành cho những người bắn lâu năm.

Mũi tên (Ya) được làm từ tre, có gắn lông chim ưng hoặc đại bàng. Tuy vậy, do số lượng các loài trên đang giảm hoặc đã được đưa vào sách đỏ, lông mũi tên sẽ được thay thế bằng lông của các loài khác. Trong một số trường hợp, chất liệu làm mũi tên cũng có thể được thay thế bằng các-bon tổng hợp. Độ dài của mũi tên cũng sẽ phải phù hợp với người bắn (thường sẽ dài hơn sải tay của người bắn từ 6-10cm). Mỗi lần bắn, người học Cung đạo sẽ bắn hai mũi. Mũi đầu tiên (Haya) sẽ xoay theo chiều kim đồng hồ, mũi thứ hai (Otoya) sẽ xoay theo chiều ngược kim đồng hồ. Điều này giúp tránh hai mũi tên cùng cắm vào một chỗ trên bia.

Một vật dung không thể thiếu khác trong Cung đạo là găng tay (Yugake). Găng tay được chia làm rất nhiều loại dựa trên các tiêu chí như chất liệu, ngón cái cứng hay mềm, loại ba ngón hay bốn ngón… để có thể phù hợp với mục đích cũng như thói quen của người tập. Ví dụ, loại găng tay ba ngón thường dành cho những người kéo loại cung có lực kéo từ 20 kg trở xuống, còn loại găng tay bốn ngón sẽ dành cho những người kéo cung có lực trên 20 kg.

Ngoài các dụng cụ trên, Cung đạo còn rất nhiều các dụng cụ phụ khác như giáp, dây cung,… để phục vụ cho quá trình luyện tập cung như khi thi đấu.

Tại Việt Nam hiện đã có một câu lạc bộ Cung đạo Nhật Bản với tên gọi Hanoi Kyudo. Các bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về bộ môn này có thể truy cập vào page https://www.facebook.com/hanoikyudo

Theo wikipedia